KỸ THUẬT NUÔI VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÁ KÈO

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CÁ KÈO

1. Đặc tính sinh học của cá kèo
– Cá kèo hay còn gọi là cá bống kèo. Cá kèo là loài thuỷ động vật nhiệt đới lưỡng cư, là loài cá có thể sống trên cạn, trườn bò phơi mình trong nắng nhận trực tiếp không khí. Cá có thể vùi mình sâu trong bùn để ngủ hè dài ngày khi gặp khô hạn nóng bức kéo dài ngày và có thể bơi lội săn mồi quanh những cây đước trong làn nước mát, vào những con nước rong trên những bãi bồi ven biển của rừng sát bạt ngàn dồi dào phong phú thức ăn tự nhiên.

  • Ở đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam có hai loại cá kèo, cá kèo vảy to Parapocrytes serperaster và cá kèo vảy nhỏ là Pseudapocrytes elongatus và Ps. Borneensis.
  • Cá kèo vảy nhỏ Ps. elongatus là loại có giá trị kinh tế có thị trường tiêu thụ lớn được nhiều người tiêu dùng ưa thích nhờ thịt ngọt mềm lẫn vị mật đắng của cá kèo.

Hình 1: Hình dạng bên ngoài cá bống kèo vảy nhỏ

Trong hoang dã, ở những bãi đất bồi ven biển nơi các cửa sông Cửu Long đổ ra là những vùng cá kèo tự nhiên sinh sống và phát triển, đây là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú thiên nhiên đã ban tặng cho người dân ven biển từ Trà Vinh kéo dài đến mũi Cà Mau qua đến Kiên Giang.

2.Đặc điểm dinh dưỡng, sinh sản
Cá kèo cùng với các loài cá bống họ Gobiidea đều không có dạ dày, thực quản nối liền với ruột. Do không có dạ dày nên vai trò tiêu hoá, hấp thu thức ăn và chất dinh dưỡng phải do ruột đảm nhận. Cá bống kèo có ruột ngắn và là loài ăn tạp.

+Thức ăn tự nhiên: tảo, mùn bã hữu cơ, giun ít tơ, ấu trùng muỗi, côn trùng thuỷ sinh, luân trùng và các loài giáp xác hoặc động vật khác.

+Thức ăn nhân tạo: thức ăn tươi, thức ăn của tôm, cám chăn nuôi.

Ở giai đoạn ấu trùng cá dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Ở giai đoạn trưởng thành cá dinh dưỡng bằng thức ăn tự nhiên: thực vật phiêu sinh, các loại thực vật sống đáy, mùn bã hữu cơ. Nhu cầu về tỉ lệ (%) đạm trong thức ăn của cá kèo thể hiện ở bảng sau:

Thời gian nuôi Tháng thứ 1 Tháng thứ 2 Tháng thứ 3 Tháng thứ 4 Tháng thứ 5
Tỉ lệ (%) đạm trong thức ăn của cá kèo 30-32 % 28% 24-25% 22% 20%

Bảng 1: Nhu cầu đạm của cá kèo trong từng giai đoạn nuôi

  • Tốc độ sinh trưởng phụ thuộc vào điều kiện dinh dưỡng, môi trường sống và các giai đoạn phát triển của cá. Lúc nhỏ cá tăng trọng chiều dài nhanh hơn tăng trưởng về trọng lượng và ngược lại khi lớn lên chúng lại tăng trọng về trọng lượng nhiều hơn. Cá kèo trưởng thành có kích thước khoảng 15-20 cm
  • Mùa vụ sinh sản của cá trong tự nhiên từ tháng 3 – 10 dương lịch, tập trung nhiều nhất từ tháng 4 – 7 dương lịch.
  • Tuỳ theo mật độ và hình thức nuôi sau 4 – 5 tháng cá nuôi đạt trọng lượng thu hoạch 40 – 50 con/kg.

KỸ THUẬT NUÔI CÁ KÈO
1.Chọn vùng nuôi cá kèo:
1.1. Nguồn nước cung cấp

Địa điểm nuôi cần có nguồn nước tốt và đầy đủ quanh năm, gần sông rạch, ven biển. Chất lượng nước nuôi trong phạm vi cho phép là pH = 7.5-8.5, oxy hòa tan 3-6 mg/l, nồng độ mặn 10-30‰, nhiệt độ 28-33°C, NH3< 1 mg/1 , H2S < 0,3 mg/l và độ đục < 10 mg/1.

1.2. Địa điểm

Vùng nuôi cá kèo tốt nhất nên có biên độ triều từ 1,5-3m, chế độ triều bán nhật hay toàn nhật để có thể tháo cạn nước khi triều xuống và cấp nước dễ dàng khi triều lên. Chất đất thịt pha sét hay cát pha sét để bờ ao chắc chắn giữ nước tốt, cần tránh những vùng bị nhiễm phèn.

Thuận lợi giao thông để vận chuyển thức ăn, con giống và giao dịch bán cá dễ dàng.

2.Cải tạo và xử lý ao đầm nuôi
2.1 Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi cá kèo là những ao đất thông thường. Ở vùng ven biển có thể sử dụng ao nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh hoặc ao nuôi quảng canh để nuôi luân canh cá kèo.

Tuy nhiên, một ao nuôi cá kèo tốt nhất nên có các đặc điểm như:

– Gần sông, có nguồn nước dồi dào và dễ cấp thoát nước;

– Nền đáy ao, đầm nên là loại đất thịt pha sét hay cát, không quá nhiều bùn nhão (lớp bùn không quá 05 cm);

– Đất và nước ít bị nhiễm phèn, pH nước từ 7.3-8.5; độ mặn từ 10-30‰ và nhiệt độ từ 28-33oC.

– Từ những kinh nghiệm thực tế nuôi cá kèo ở các địa phương cho thấy, ao nuôi có diện tích thích hợp nhất từ 1.000 – 2.000 m2, độ sâu 1.8-2.0m với bờ có chiều rộng đáy tối thiểu 4 m, mặt 2-3 m, cao 1-1.5 m và cao hơn mức triều cường ít nhất 0.5 m.

Trong quá trình nuôi cần phải có ao lắng để chủ động trong việc cấp nước, diện tích ao lắng chiếm 20 – 30% diện tích ao nuôi.

Hình 2: Ao nuôi cá kèo

2.2 Cải tạo ao nuôi

Dọn dẹp sạch sẽ các bụi rậm, cỏ xung quanh ao. Tháo cạn nước và dọn sạch sẽ rác bắt hết cá tạp và địch hại.Vét bớt lớp bùn thối lâu ngày ở đáy ao, sau đó cày xới một lớp đất mỏng cỡ 5-7 cm để đáy ao thoáng khí, tạo điều kiện cho sinh vật đáy phát triển, đây là nguồn thức ăn tự nhiên rất tốt cho cá. Tu bổ lại bờ ao, cống rãnh. San lấp các lỗ mội rò rỉ. Rải vôi bột xuống đáy ao và xung quanh ao để diệt khuẩn và điều chỉnh độ pH, liều lượng sử dụng: 10-15 kg/100 m2. Sau đó phơi nắng ao khoảng 3-4 ngày rồi tiến hành bón phân gây màu nước.

Khi lấy nước vào ao cần chắn qua lưới lọc để tránh các loại địch hại, cá dữ, cá tạp lọt vào ao sẽ hại cá giống và tranh giành thức ăn.

Hình 3: Tháo nước phơi khô ao để chuẩn bị thả cá kèo

2.3 Chuẩn bị nước

Tránh lấy nước trong các trường hợp sau:

– Nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh;

– Nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm;

– Nước có nhiều váng bọt, màng nhầy, có nhiều phù sa đen lơ lửng;

Không lấy nước khi thuỷ triều đang lên. Nên lấy nước khi nước bắt đầu bình để hạn chế đưa các chất phù sa lơ lửng vào ao. Tốt nhất nên cấp nước vào ao lắng từ 5-7 ngày rồi mới tiến hành cấp vào ao nuôi.

Nước được cấp vào ao lắng và ao nuôi phải qua túi lọc bằng vải hoặc lưới cước có mắt lưới dày để hạn chế các loại tôm cá tạp xâm nhập vào và đạt tối thiểu 50-70 cm.

Hình 4: Cấp nước vào ao nuôi

Sau khi đưa nước vào ao nuôi khoảng 3 – 5 ngày, có thể xử lý diệt tạp bằng dây thuốc cá (8 – 10 kg/1.000m3 ) hoặc Saponin (10 – 15kg/1.000m3 nước). Đối với độ mặn dưới 15‰ nên dùng dây thuốc cá, trên 15‰ nên dùng Saponin (Dây thuốc cá và Saponin cần được ngâm trước 24 giờ để tăng tính độc và nên sử dụng vào buổi sáng trời nắng tốt) và phải sau 10 ngày (đối với dùng dây thuốc cá) và 15 ngày (đối với dùng Saponine) mới được thả giống.

Sau 2 – 3 ngày có thể diệt khuẩn bằng một trong các hóa chất sau: Thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 1 – 2 kg/1.000m3 , BKC 80% (1lít/1.000m3), Iodine (1 – 1.5lít/1.000m3)

2.4 Gây màu nước

Cá kèo là loài có tính ăn thiên về thực vật, cá sống trong môi trường giàu tảo khuê và mùn bã hữu cơ, nền đáy là bùn hay bùn cát vì thế trong quá trình chuẩn bị ao nuôi, cần tiến hành gây màu nước tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá giống khi thả nuôi.

Bón phân gây màu nước để phiêu sinh động thực vật phát triển làm mồi ăn tự nhiên cho cá kèo con mới thả, trong khi nuôi vẫn tiếp tục bón phân gây màu.

Sau khi gây màu nước từ 3-5 ngày tiến hành sử dụng vi sinh EM GỐC để loại bỏ các chất độc và ổn định môi trường đáy ao. Khi kiểm tra các yếu tố môi trường đạt các yêu cầu kỹ thuật thì tiến hành chọn giống thả nuôi.

Các yếu tố môi trường:

  • pH nước : 7.5 – 8.5
  • Độ kiềm : 100 – 120 mg/l
  • Độ mặn : 10‰ -30‰

Việc cải tạo và xử lý nước ban đầu là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của ao nuôi:

Tạo cho vật nuôi có được một nền đáy ao sạch;
Làm tăng và ổn định lượng oxy hoà tan trong nước;
Ổn định chất lượng nước và làm giảm các chất độc trong nước
Ổn định nhiệt độ ao;
Hạn chế tảo sợi, tảo đáy phát triển;
Hạn chế các loại vi khuẩn gây bệnh.

3. Chọn giống và thả giống
3.1 Chọn giống

Nguồn giống là vấn đề chủ yếu quyết định thành công của vụ nuôi. Cá giống tốt sẽ cho tỉ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt. Nguồn cá bống kèo giống hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cá giống tự nhiên.

Hình 5: Cá kèo giống đạt yêu cầu

Cá kèo giống tốt có đầu và thân mình phát triển cân đối đồng đều, vảy và đuôi còn đầy đủ và hoàn chỉnh, màu sắc tươi sáng, không dị hình, không có vết trầy hay vết do ký sinh trùng bám gây ra. Cá còn nhiều nhớt, vảy ngực luôn xòe không khép vào thân, bụng và rốn cá màu sắc bình thường trắng phớt hồng nhẹ, thân cá có nhiều sọc đứng ở phần từ giữa thân đến đuôi. Cá không bị ký sinh trùng đeo bám, lật ngửa là cá phồng mang.

3.2 Cách vận chuyển

– Cách vận chuyển giống cá kèo tương tự như vận chuyển tôm post.

– Cá giống sau khi chọn đạt yêu cầu được đóng oxy trung bình mỗi bọc từ 1.000 – 1.200 con/bọc. Mỗi bọc cho vào từ 1 – 1,5 lít nước.

– Thời gian vận chuyển từ nơi mua đến nơi thả giống không quá 3 giờ. Trường hợp vận chuyển quá 3 giờ nên vận chuyển bằng xe lạnh.

Hình 6: Cá kèo giống đóng trong bọc nilon

3.3 Mật độ thả

* Kích cỡ cá giống: Nên chọn cá giống khoảng 3 – 5cm hoặc 4 – 6cm.

* Mật độ thả nuôi:

Tuỳ theo điều kiện ao, khả năng quản lý chăm sóc và cỡ cá, có thể thả nuôi với mật độ 30 – 60 con/m2, trung bình 50 con/m2.

Không nên thả mật độ quá dày sẽ làm chậm khả năng sinh trưởng và phát triển của cá, ảnh hưởng đến môi trường nuôi và cá dễ nhiễm bệnh.

4. Chăm sóc và quản lý

4.1 Thức ăn

Cá kèo có tính ăn tạp, ngoài thức ăn tự nhiên có trong ao như phù du động thực vật, sinh vật đáy, rong tảo sống bám, mùn bã hữu cơ… cá còn ăn được các thức ăn do con người cung cấp như ăn thức ăn chế biến và thức ăn viên công nghiệp, chủ yếu là dạng viên chìm và viên nổi

       

Hình 7: Thức ăn cá kèo

4.2 Liều lượng

Nhu cầu đạm của cá kèo cao 20-35% thay đổi theo thời kỳ sinh trưởng của cá, nuôi cá kèo phải đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cá.

– Cá kèo thả cỡ 1-2,5 cm là cá con cho ăn thức ăn đậm đặc đạm cao 35%, mỗi ngày khoảng 20-25% trọng lượng cơ thể cá. Ngày cho ăn bốn lần 5-6 giờ sáng, 10-11 giờ trưa, 4-5 giờ chiểu và 8-9 giờ tối.

– Cá kèo thả nuôi được 7-10 ngày lên cỡ 2,5-3.5 cm, cho ăn thức ăn viên nổi 0,5 mm đạm cao 30%, mỗi ngày khoảng 15-20% trọng lượng cơ thể cá. Ngày cho ăn ba lần 5-8 giờ sáng, 4-5 giờ chiều và 9-10 giờ tối.

– Cá kèo thả nuôi được 15-20 ngày đã lên cỡ 4-5 cm cho ăn thức ăn viên nổi 0,5-1mm 25% đạm, mỗi ngày khoảng 10-15% trọng lượng cơ thể cá. Nên cho ăn lúc trời mát hay chiều tối, ngày cho ăn hai lần 6-7 giờ sáng và 4-5 giờ chiều..

Cá kèo nhỏ 1-4 cm nên khoanh nuôi cá trong một phạm vi nhỏ ở trong ao để kiểm soát và theo dõi cho ăn, khi cá lớn trên 4-5 cm nặng 0,9-1,2 gr/con thì bung ra nuôi khắp ao.

Thức ăn nuôi cá kèo từ giai đọan này đến khi thu hoạch có độ đạm 20-25% và bằng 3-5% trọng lượng cơ thể cá. Ngày cho ăn hai lần 6-7 giờ sáng và 5-6 giờ tối.

Mồi ăn không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cá sẽ chậm lớn, giảm sức để kháng dễ bị ký sinh trùng vi khuẩn gây bệnh xâm nhập, đã có nhiều ao nuôi cá kèo không lớn, cá có đầu lớn thân dài ốm.

4.3 Cách cho ăn

Cá kèo lớn trên 5 cm chuyển đổi tập tính sinh sống, cá thường vùi mình trong bùn, khi thời tiết mát dịu cá ngoi lên trong nước bơi lội kiếm ăn hoặc trườn mình trên mặt bùn, thời tiết khô nóng cá chui sâu xuống bùn tránh nóng ngủ hè, càng hanh khô kéo dài càng chui sâu xuống bùn nhịn đói không săn tìm mồi có thể 5-7 ngày hay 10-15 ngày.

Nuôi cá kèo cần nắm rõ đặc tính quan trọng này, trời nắng nóng cá chui sâu xuống bùn ngủ hè mà đến giờ cho ăn là rải thức ăn, cá không ăn, thức ăn tích tụ nhiều ở đáy bị phân hủy là ô nhiễm nước dẫn đến cá chết.

Cá kèo săn tìm mồi khi trời mát và rất thích thú ngoi lên khỏi bùn bơi lội khi nước mới tràn vào nên cho cá ăn vào thời điểm này, rải thức ăn viên mặt nước ở nhiều chỗ cố định, những con ăn no sẽ lội ra cho những con nhỏ lội vào ăn, thời gian cho ăn kéo dài 1 giờ. Nên chú ý khi cho cá ăn, nếu cá ăn hết thức ăn trong thời gian 1-1.5 giờ thì lần sau nên tăng lượng thức ăn cho ăn và ngược lại.

Như vậy để nuôi cá kèo lớn nhanh, biện pháp thay đổi nước thường xuyên tạo điều kiện nước trong ao sạch mát, cá ngoi lên mặt nước săn tìm mồi, cá ăn nhiều mau lớn. Nên thay đổi nước theo thuỷ triều, ở những nơi thuỷ triều bán nhật sẽ có nhiều thời gian cho cá ăn.

Hình 8: Cá kèo ăn thức ăn nổi

4.4 Quản lý ao nuôi

– Phải thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường và điều chỉnh ở mức thích hợp: pH từ 7.5 – 8.5, độ kiềm từ 80 – 120mg CaCO3 /lít… Nước ao cần được chủ động điều chỉnh tăng cao hoặc giảm thấp phù hợp với các giai đoạn phát triển của cá nuôi

– Kiểm tra bờ và cống ao đề phòng bờ bị rò rỉ do cua còng đào hang, lưới chắn bị thủng (do bị mục hoặc cua còng kẹp làm rách lưới). Bên cạnh đó phải căng lưới trên mặt ao nuôi để phòng các loại địch hại như: chim, cò … vì các đối tượng này ăn trực tiếp khi cá nổi trên mặt nước.

Hình 9: Căn lưới rào lên mặt ao nuôi cá kèo

– Định kỳ 7 – 10 ngày/lần thay 20-30% lượng nước trong ao nuôi. Sau mỗi lần thay nước cấp thêm nước 15 – 20% để tạo môi trường tốt hơn, kích thích cá tăng trưởng đồng thời cung cấp thêm thức ăn tự nhiên, sau khi thay nước nên sử dụng Zeolite liều lượng từ 7-10kg/1000m3 kết hợp sử dụng vi sinh EM GỐC để ổn định các yếu tố môi trường. Ở tháng đầu mức nước nên đạt từ 0,5 – 0,7m, nâng dần sau mỗi lần thay nước và cấp vào cho đến khi đạt 1.5-1.8m thì duy trì đến khi thu hoạch.

– Theo dõi mực nước hàng ngày, kiểm tra các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá của nước ao như nhiệt độ nước, pH, độ trong, độ mặn. Vào mùa mưa, độ mặn nguồn nước cấp và nước trong ao có xu hướng giảm dần, chú ý độ mặn của nước cấp cho ao phải tương đương hoặc không quá chênh lệch với độ mặn nước ao để tránh cá bị sốc. Độ mặn của nước ao nuôi cá bống Kèo, dù vào mùa mưa cũng không nên để quá thấp dưới 3‰. Nếu nước ao bị nhiễm bẩn, màu nước xanh quá đậm hoặc chuyển màu nâu, có mùi hôi thì cần phải thay ngay nước mới trong sạc

5. Thu hoạch

5.1 Thời gian nuôi:

– Thời gian nuôi thông thường từ 04 – 05 tháng

– Trọng lượng đạt 40 – 50 con/kg thì tiến hành thu hoạch.

Cá kèo ở Sóc Trăng rớt giá: Người nuôi đối mặt với khó khăn | TIN TỨC NÔNG  NGHIỆP

Hình 10: Thu hoạch cá kèo

5.2 Phương pháp thu hoạch:

– Khi thu hoạch phải giữ mức nước từ 0.7m trở lên để tránh tình trạng cá vùi vào bùn rất khó thu, tốt nhất thu vào ban đêm.

– Thu hoạch bằng cách dùng lưới kéo

Nếu đáy ao sau khi nuôi lớp bùn đáy dưới 5cm thì có thể kết hợp xổ cống để tiến hành thu được nhanh chóng

Bạc Liêu: Cá kèo tăng giá mạnh, người nuôi cá lãi đậm | Thị trường |  Vietnam+ (VietnamPlus)

Hình 11: Cá kèo thương phẩm

MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÁ KÈO VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
Cá kèo đang trở thành một trong những loại cá được ưa chuộng với giá trị thương phẩm cao. Do vậy, xu hướng nuôi cá kèo ngày càng phát triển trong ngành nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, người nuôi cá kèo vẫn phải đối mặt với những trường hợp bệnh tật gây tổn thất lớn, từ cá chết hàng loạt cho đến giảm năng suất.

Nguyên nhân do chuyển đổi sang mô hình nuôi công nghiệp còn khá mới, người nuôi cá kèo chưa tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm trong việc quản lý và phòng trị bệnh. Việc chủ động phát hiện sớm và điều trị kịp thời không chỉ giảm thiểu tổn thất trong ngành nuôi trồng cá kèo mà còn tạo ra môi trường nuôi trồng thuỷ sản bền vững. Điều này mang lại hy vọng cho sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thuỷ sản và giúp tăng cường năng suất, đồng thời giảm thiểu thiệt hại do bệnh tật.

Hiện nay, qua các quá trình thực tế, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào mô hình nuôi cá kèo, người nuôi có thể chủ động phát hiện sớm dấu hiệu bệnh và xác định một số bệnh thường gặp khi cá mới phát bệnh và điều trị kịp thời.

  1. Bệnh xuất huyết cá kèo
    1.1.Tác nhân gây bệnh:

Bệnh do các vi khuẩn thuộc nhóm Aeromonas (gồm A.hydrophil, A. caviae, A. sobria), Vibrio sp, Streptococcus sp… gây ra. Bệnh dễ phát sinh trong môi trường nuôi nước bị nhiễm bẩn do ảnh hưởng của phân cá, mùn bã hữu cơ, quản lý thức ăn không chặt chẽ… làm cho hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp, khí độc tăng cao hoặc nuôi với mật độ dày cũng là nguyên nhân làm cho cá dễ mắc bệnh. Bệnh thường xuất hiện khi cá nuôi từ 2 tháng tuổi trở lên.

1.2 Triệu chứng:

– Cá bị bệnh có hiện tượng cơ thể cá xuất hiện từng mảng đỏ với nhiều khối u, bụng có biểu hiện sẫm màu từng vùng, lưng có nhiều vết thương, đuôi và vây bị hoại tử, mắt mờ đục, lồi sưng phù, hậu môn sưng to. Cá bỏ ăn, nổi nghiêng hoặc nổi đứng lờ đờ trên mặt nước. Khi phẫu thuật cá chết sẽ thấy gan cá lớn bất thường, có dấu hiệu xuất huyết, thận và tạng tỳ sưng to, đôi khi xuất hiện dịch trong xoang bụng

Hình 12 : Phẫu thuật cá kèo chết do nhiễm khuẩn

1.3 Điều trị bệnh:

– Thay 30% lượng nước trong ao nuôi. Giảm 50% lượng thức ăn trong 3 – 7 ngày.

– Tiến hành diệt khuẩn gây bệnh trong ao bằng WIRKON hoặc kết hợp cả hai loại:

+ Sử dụng WIRKON vào buổi sáng sớm (1 lít/ 1.000m3)

+ Sử dụng WIRKON vào buổi chiều (1 kg/ 1.000m3)

– Một ngày sau khi diệt khuẩn ao nuôi, sử dụng YUCCA LIQUID với lượng 200ml/1000m3 nước vào buổi trưa, kết hợp vi sinh EM GỐC vào lúc 18 giờ – 20 giờ để loại bỏ các chất độc và ổn định môi trường đáy ao. Tiến hành liên tục 2-3 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

– Sử dụng thuốc điều trị kết hợp song song với tăng cường sức đề kháng cho cá. Có thể lựa chọn hai cữ ăn trong ngày mà cá ăn khoẻ nhất, tiến hành trộn vào thức ăn như sau:

+ Cữ 1: loại bỏ các vi sinh vật gây hại trong đường ruột với DOXY(liều lượng 30 – 40 g/1 tấn cá) hoặc FLORFERNICOL (liều lượng 50g/1 tấn cá). Nếu dùng thức ăn viên thì hòa sản phẩm vào nước sạch với một lượng nước vừa đủ, sau đó tưới đều vào thức ăn. Để thức ăn khô tự nhiên 15 – 30 phút trước khi cho cá ăn.

+ Cữ 2: Phục hồi tổn thương đường ruột, giải độc gan và tăng cường sức đề kháng

+ Tiến hành từ 7 đến 10 ngày để dứt diểm các biểu hiện bệnh. Thứ tự các cữ có thể thay đổi tuỳ theo tình trạng của cá.

Lưu ý: Trong quá trình điều trị trong 2-3 ngày đầu, có thể xuất hiện tình trạng cá chết hàng ngày từ 30-100 con. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 trở đi, số lượng cá chết sẽ giảm dần và bệnh sẽ được kiểm soát.

  1. Bệnh trắng đuôi
    2.1 Tác nhân gây bệnh:

– Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas dermoalba gây ra

2.2 Triệu chứng:

Cá bị bệnh thường có các hiện tượng như có một số điểm trắng trên đuôi, sau đó lây lan đến vây lưng, vây hậu môn. Dần dần đuôi và các vây bị xuất huyết và rách nát. Khi bệnh nặng hơn, cá sẽ bỏ ăn, sau đó đầu chúi xuống và bơi lờ đờ hoặc treo lơ lửng trên mặt nước. Bệnh thường xuất hiện khi cá nuôi từ 1 tháng tuổi trở đi.

Hình 13: Cá chết do bệnh trắng đuôi

2.3 Điều trị:

– Thay 30% lượng nước trong ao nuôi. Giảm 50% lượng thức ăn trong 3 – 7 ngày.

– Tiến hành diệt khuẩn gây bệnh trong ao bằng BKC hoặc WIRKON hoặc kết hợp cả hai loại:

+ Sử dụng BKC vào buổi sáng sớm (1 lít/ 2.000m3)

+ Sử dụng WIRKON vào buổi chiều (1 kg/ 1.000m3)

– Một ngày sau khi diệt khuẩn ao nuôi, sử dụng YUCCA SCHIDIGERA IN LIQUID với lượng 200ml/1000m3 nước vào buổi trưa, kết hợp vi sinh vào lúc 18 giờ – 20 giờ để loại bỏ các chất độc và ổn định môi trường đáy ao. Tiến hành liên tục 2-3 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

– Sử dụng thuốc điều trị kết hợp song song với tăng cường sức đề kháng cho cá. Có thể lựa chọn hai cữ ăn trong ngày mà cá ăn khoẻ nhất, tiến hành trộn vào thức ăn như sau:

+ Cữ 1: loại bỏ các sinh vật có hại trong đường ruột với AQUATRISULFA-I, liều lượng 200 – 250g/1 tấn cá. Nếu dùng thức ăn viên thì hòa sản phẩm vào nước sạch với một lượng nước vừa đủ, sau đó tưới đều vào thức ăn. Để thức ăn khô tự nhiên 30 phút trước khi cho cá ăn.

+ Cữ 2: Phục hồi tổn thương đường ruột, giải độc gan và tăng cường sức đề kháng

+ Tiến hành từ 6 đến 7 ngày để dứt diểm các biểu hiện bệnh. Thứ tự các cữ có thể thay đổi tuỳ theo tình trạng của cá.

  1. Bệnh mất nhớt
    3.1. Tác nhân gây bệnh:

– Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas dermoalba gây ra. Bệnh thường xảy ra do cá bị sây sát trong đánh bắt, vận chuyển hoặc do môi trường nước thay đổi đột ngột. Bệnh có khả năng lây lan sang các ao khác rất nhanh, do đó cần phải có biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan, không dùng các dụng cụ đã sử dụng trong ao cá bệnh cho các ao khác. Bệnh có thể xuất hiện xuyên suốt vụ nuôi.

          3.2 Triệu chứng:

Cá bị bệnh thường xuất hiện các dấu hiệu sau: toàn thân bao phủ bởi một lớp nhớt màu trắng đục, cá tách đàn, bơi lội lờ đờ và bỏ ăn. Khi bệnh nặng, cơ thể bị lở loét, các vây bị rách nát, cá sẽ chết rất nhanh sau đó.

3.3 Điều trị:

– Thay 30% lượng nước trong ao nuôi. Giảm 50% lượng thức ăn trong 3 – 7 ngày.

– Tiến hành diệt khuẩn gây bệnh trong ao bằng WIRKON hoặc kết hợp cả hai loại:

+ Sử dụng WIRKON vào buổi sáng sớm (1 lít/ 2.000m3)

+ Sử dụng WIRKON vào buổi chiều (1 kg/ 1.000m3)

– Một ngày sau khi tiến hành diệt khuẩn ao nuôi, sử dụng YUCCA LIQUID với lượng 200ml/1000m3 nước, kết hợp vi sinh để loại bỏ các chất độc và ổn định môi trường đáy ao. Tiến hành liên tục 2-3 ngày vào lúc 18 giờ – 20 giờ để đạt hiệu quả tốt nhất.

– Sử dụng thuốc điều trị kết hợp song song với tăng cường sức đề kháng cho cá. Có thể lựa chọn hai cữ ăn trong ngày mà cá ăn khoẻ nhất, tiến hành trộn vào thức ăn như sau

+ Cữ 1: loại bỏ các sinh vật có hại trong đường ruột với AQUATRISULFA-I (liều lượng 200 – 250g/1 tấn cá (liều lượng 30 – 40 g/1 tấn cá). Nếu dùng thức ăn viên thì hòa sản phẩm vào nước sạch với một lượng nước vừa đủ, sau đó tưới đều vào thức ăn. Để thức ăn khô tự nhiên 30 phút trước khi cho cá ăn.

+ Cữ 2: Phục hồi tổn thương đường ruột, giải độc gan và tăng cường sức đề kháng

+ Tiến hành từ 6 đến 7 ngày để dứt điểm các biểu hiện bệnh. Thứ tự các cữ có thể thay đổi tuỳ theo tình trạng của cá.